Anh hùng Trịnh Phong - Khánh Hòa Tam Kiệt


  

Created by BHS and friends


Trước khi viết về câu chuyện này, tôi chẳng biết Ông Trịnh Phong là ai. Hỏi bạn bè và người dân: "Trịnh Phong là ai?" ... rất nhiều người không biết, dù Nha Trang mình có hẳn một con đường mang tên Trịnh Phong.
Lục lọi tài liệu để tìm hiểu, và giờ đây tôi xin phép được kể lại câu chuyện về vị anh hùng Trịnh Phong với cuộc khởi nghĩa chống Pháp do ông lãnh đạo – là niềm tự hào cần phải có của mỗi người dân Khánh Hòa.

Ai đi ngang ngã 3 Thành thuộc thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) đều sẽ thấy một cây dầu cao khoảng 30 mét sừng sững hiên ngang như “gã khổng lồ”. Cây có một gốc tách thành hai thân to lớn, cành lá xum xuê che phủ bóng mát cho cả quãng đường, nên được người xưa gọi là CÂY DẦU ĐÔI. Cây dầu đôi này đã có từ khi nào cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác định, nhưng theo xác nhận của các vị cao niên, thì nó đã xuất hiện ở đó cách đây hàng trăm năm. Cây dầu đôi đó vừa là dấu tích, chứng tích, vừa là nhân chứng của một thời kỳ lịch sử oai hùng chống Pháp của nhân dân Khánh Hòa, trong đó có , trong đó có Trịnh Phong - thủ lĩnh phong trào Cần Vương Khánh Hòa


(Lắng nghe chút nhạc để tiếp tục câu chuyện)


  


Created by BHS and friends

Bối cảnh lịch sử ...

Chúng ta hãy quay lại thời gian để hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử đen tối của nước nhà dưới thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, áp bức và đô hộ.
Đầu tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước phương Tây, hoàn toàn chiếm ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, công nghệ quân sự.

Liên quân Pháp và các nước phương Tây tấn công đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858


Trong gần 30 năm tiếp theo, quân Pháp đã lần lượt đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ, rồi tiến công vào kinh đô Huế (1883), buộc triều đình nhà Nguyễn từng bước phải nhượng bộ, lần lượt ký các hiệp ước có lợi cho Pháp và cuối cùng buộc phải thừa nhận nền thống trị của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Từ một nhà nước phong kiến độc lập, triều đình Huế trở thành một chính quyền bù nhìn, tay sai cho ngoại bang.

Lực lượng viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha tấn công thành Gia Định năm 1859, tranh của Antoine Léon Morel-Fatio.

Quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882.

Mặc dù vậy, thực dân Pháp khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể đè bẹp được tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp vẫn tiếp tục nổ ra khắp nơi trên mọi miền đất nước…
... và rồi sự ra đời của Chiếu Cần Vương (phò vua, đánh giặc) như là một "cái cớ được vua kêu gọi" để phong trào đấu tranh chống thực dân quân xâm lược của nhân dân ta lại bước sang một giai đoạn mới, với quy mô rộng lớn và khí thế mạnh mẽ hơn trên toàn quốc.


  


Created by BHS and friends


Chiếu Cần Vương ra đời...

Sau khi vua Tự Đức mất vào tháng 7 năm 1883, thì sự phân hóa trong nội bộ đình thần, quan lại nhà Nguyễn ngày càng sâu sắc và chia thành 2 phe rõ rệt – phe chủ chiến và phe chủ hòa.

Đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết. Ông là Thượng thư Bộ binh, nắm giữ quân đội trong tay và là nhân vật quan trọng nhất trong Hội đồng phụ chính của triều đình Huế.

Đúng 1 giờ sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết chủ động tấn công quân Pháp ở Huế nhưng do lực yếu nên đã bị thất bại nhanh chóng.

Một thời gian sau, do quân Pháp truy lùng quá gắt gao, Tôn Thất Thuyết lại phải đưa vua Hàm Nghi vượt qua đất Lào đến sơn phòng Ấu Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh) lánh nạn. Chính nơi đây, vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương lần thứ hai vào ngày 20 tháng 9 năm 1885..

Hàm Nghi (chữ Hán: 咸宜 3 tháng 8 năm 1871 – 14 tháng 1 năm 1943), thụy hiệu Xuất Đế (出帝), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch (阮福膺𧰡), là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Xem thêm bài viết
PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG


  



Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cùng tham gia chống Pháp, khôi phục nền độc lập, khôi phục chế độ phong kiến có vua là người tài giỏi. Khẩu hiệu này của chiếu Cần Vương đã nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, lòng căm thù quân xâm lược của toàn thể nhân dân, và thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội: từ một số quan lại, các văn thân, sĩ phu yêu nước … đến nông dân.
Chiếu Cần Vương, hay còn gọi là "Phong Trào Cần Vương” đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, kéo dài suốt 11 năm (từ năm 1885 cho đến năm 1896).

Chiếu Cần Vương của nhà vua yêu nước Hàm Nghi

(Click vào các Icons trên bản đồ để xem địa danh các nơi chống Pháp xâmlược của Phong trào Cần Vương)

Xem thêm bài viết
PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG


  



Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ở Khánh Hòa đã có ba vị anh hùng: Trịnh Phong, Nguyễn Khanh và Trần Đường – sau này được nhân dân tôn xưng là “Khánh Hòa Tam Kiệt” đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang chống quân xâm lược Pháp vào thời đó.

Khởi nghĩa Trịnh Phong - Khánh Hòa Tam Kiệt


Xem clip "Khánh Hòa Tam Kiệt" để biết thêm thông tin

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa gắn liền với tên tuổi của 3 danh nhân đó là ông Trịnh Phong, Nguyễn Khanh và Trần Đường - ba cụ này được tôn xưng là “Khánh Hòa Tam Kiệt”

Nhân dân có thơ rằng:
“Khánh Hòa thì có ba ông
Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị
Ông Trịnh Phong trấn giữ biển Cù
Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu
Ba ông một bụng, nghìn thu danh truyền.”

Ngoài ra, còn 3 vị tướng chỉ huy nghĩa quân rất nổi tiếng là Phạm Chánh (người làng Hội Khánh), Nguyễn Sum (cùng quê quán với Phạm Chánh), Phạm Long (con của Phạm Chánh) được đồng bào suy tôn là “Quảng Phước Tam Hùng”. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn ba vị anh hùng này vào dịp khác.

  

Created by BHS and friends


Nói về Trịnh Phong...

Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay là thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang), thuở nhỏ ông đã là người thông minh, học giỏi. Có tài liệu cho rằng: Năm 1864 ông thi đậu Cử nhân võ và được triều đình nhà Nguyễn phong đến chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam. Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp ngày càng bộc lộ rõ, trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn chia rẽ và phân hóa, nên ông đã từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.
Làng Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Thành phố Nha Trang - Quê hương của vị anh hùng Trịnh Phong


  

Created by BHS and friends


Nói về Trần Đường...

Tổng trấn Trần Đường sinh năm Kỷ Hợi (1839), quê thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh (nay là ở Tổ dân phố 14, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Ông là người thông Hán văn, giỏi võ nghệ , từng làm quan (phó Tổng) dưới triều vua Tự Đức. Tánh tình ông khẳng khái, tâm nhân hậu, nên quan trên nể nang, mà người bình dân cũng kính mến, ưa gần.
Thôn Hiền Lương,Thị trấn Vạn Giã, Huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa ngày nay - Quê hương của vị anh hùng Trần Đường


  

Created by BHS and friends


Nói về Nguyễn Khanh...

Nguyễn Khanh, sanh năm Giáp Ngọ (1834) triều Minh Mạng, ở làng Võ Cạnh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay là thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang). Ông còn có tên khác là Nguyễn Giảng, tự Quý Hiên. Thuở nhỏ, ông đã là người thông minh, học giỏi. Ông đậu Tú Tài khoa Quý Dậu triều Tự Ðức (1873), là người văn hay, chữ tốt. Người đương thời có câu thơ dành tặng Ông:

“ Tờ mây xếp để hàng hàng phụng,
Ngọn thỏ tung ra nét nét trồng. ”

Thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, Thành phố Nha Trang - Quê hương của vị anh hùng Nguyễn Khanh


  

Created by BHS and friends


Bây giờ, chúng ta hãy cùng ôn lại những diễn biến của cuộc khởi nghĩa vũ trang đã được lãnh đạo bởi vị anh hùng dân tộc Trịnh Phong - Khánh Hòa Tam kiệt nhé!

Ảnh có tính chất minh họa


  

Created by BHS and friends


Khởi nghĩa Trịnh Phong ...

Năm 1885, khi chiếu Cần Vương được vua ban ra, các chí sỹ yêu nước ở Khánh Hòa cũng như cả nước như bắt được "vàng", và đã tiến hành dấy binh khởi nghĩa khắp nơi mà không phạm đến "bất nghĩa, bất trung" với vua và đất nước. Ở Khánh Hòa, các ông: Trịnh Phong,Trần Đường, Nguyễn Khanh cùng với Lê Nghị, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Nguyễn Trung Mưu đã thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn” để kêu gọi người dân Khánh Hòa tham gia quân khởi nghĩa chống Pháp với khẩu hiệu:

“Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn
Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”

Vốn là người tài đức, lại kết giao rộng rãi với những người cùng chí hướng, cho nên ngay sau khi cờ nghĩa được dựng lên, đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng như đội ngũ trí thức Khánh Hòa cùng hưởng ứng, quy tụ dưới hiệu triệu của Trịnh Phong, và nhân dân đã tôn Ông làm “Bình Tây Đại Tướng” thống lĩnh nghĩa quân.

Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh và khí thế hừng hực của nghĩa quân, nhất là uy tín to lớn của Trịnh Phong và các thủ lĩnh, quan lại đầu tỉnh đang trấn nhậm trong Thành Diên Khánh đã chủ động giao Thành và quyền binh lại cho nghĩa quân cai quản. Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân, phụ trách mặt trận phía Nam.

Phong trào Cần Vương lan rộng khắp đất nước, Trịnh Phong cùng nhân dân Khánh Hòa phất cờ khởi nghĩa, giúp vua, chống giặc.


Ông Trần Ðường được phong làm Tổng Trấn , cùng quý ông Phạm Chánh giữ chức Tham Trấn, Nguyễn Sum giữ chức Hiệp Trấn và Phạm Long giữ chức Nhiếp binh, trấn thủ quân khu Bắc, lấy núi Phổ Đà (Ninh Hòa ngày xưa) làm căn cứ.
Tiếp sau đó, ông Trịnh Phong lãnh đạo nghĩa quân chủ động đánh chiếm đồn trú Pháp ở Hòn Khói và lập thêm căn cứ dự phòng ở Hòn Khói và Hòn Hèo (Ninh Hòa).


Ông Nguyễn Khanh được phong làm Tán Tương Quân Vụ cùng hai ông em Nguyễn Dị giữ chức Tham Tán, Nguyễn Lương giữ chức Kiểm Biện, coi việc tuyển mộ binh sĩ, tiếp tế quân đội.

  



Đến tháng 8 năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên cửa sông Cù Huân (cửa sông Cái - Nha Trang ngày nay), Trịnh Phong giao Thành Diên Khánh cho ông Lê Nghị trấn giữ, và ông trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố… Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và thông thuộc địa hình, lại được nhân dân hết lòng giúp sức, che chở, nghĩa quân đã mưu trí dụ địch vào sâu rồi thực hiện lối đánh du kích, chia cắt, phân tán đội hình, gây nhiều tổn thất to lớn cho quân Pháp.

Sơ đồ Thành cổ Diên Khánh (Wikipedia)

Hình ảnh thành Diên Khánh ngày nay qua ảnh vệ tinh của Google


(Di chuyển chuột vào các Icons trên bản đồ để biết thêm thông tin)


  



Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu kỹ địa hình và lực lượng của nghĩa quân, quân Pháp đã nắm rõ địa hình Khánh Hòa và với ưu thế hơn hẳn về vũ khí, chiến thuật, chúng đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, điên cuồng tàn sát nghĩa quân, dìm phong trào trong bể máu, … và đã chiếm được một số vị trí quan trọng. Đặc biệt, chúng đã tập trung lực lượng bao vây và tấn công Thành Diên Khánh.
Trước thế mạnh của địch, Trịnh Phong phải cho rút quân ra phía Bắc Khánh Hòa, hợp quân với Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long lập phòng tuyến giữ cửa biển Hòn Khói, xây dựng căn cứ ở Thùng Nhà Bùi (ở Ninh Sơn) và ở Hòn Hèo, tổ chức kháng chiến lâu dài.

Thành cổ Diên Khánh - dấu tích lịch sử oai hùng của phong trào Cần Vương-Khánh Hòa.


Núi Phổ Đà - Ninh Hòa xưa (nay thuộc về huyện Vạn Ninh), căn cứ phía Bắc của phong trào Cần Vương Khánh Hòa.


(Di chuyển chuột vào các Icons trên bản đồ để biết thêm thông tin)


  



Sau gần một năm kháng chiến (từ mùa thu năm 1885 đến giữa năm 1886), Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh (Khánh Hòa Tam Kiệt) cùng nhiều chí sỹ yêu nước khác và Nhân dân Khánh Hòa đã tổ chức nhiều trận đánh oanh liệt, gây tổn thất lớn cho quân xâm lược thực dân Pháp.
Cuộc kháng chiến kéo dài hơn một năm và quân Pháp vẫn không thể tiêu diệt được nghĩa quân. Chúng ra sức dụ dỗ, mua chuộc các thủ lĩnh Trần Đường, Trịnh Phong, Nguyễn Khanh và các nghĩa sĩ, song chúng không thể lay chuyển được lòng yêu nước, chí khí anh hùng của họ.

(Click, di chuyển chuột vào các Icons trên bản đồ để xem địa danh các căn cứ, trận đánh nổi tiếng của phong trào Cần Vương - Khánh Hòa Tam Kiệt)


  



Sau khi ổn định tình hình tại Nha Trang và Diên Khánh, quân Pháp tiếp tục tiến đánh phía bắc Khánh Hòa. Nhờ thế núi hiểm trở, sử dụng lối đánh du kích và sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân cầm cự được gần một năm nữa. Quân Pháp phải cầu viện Sài Gòn, vào tháng 6 năm 1886, Pháp sai thiếu tá De Lorme, công sứ Aymonier và đốc phủ sứ Trần Bá Lộc kéo đại binh ra Khánh Hòa.
Học giả Vương Hồng Sển nói:
Ông (ám chỉ Trần Bá Lộc), người khô ráo dỏng dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông ta bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù, chỉ chặt đầu y như quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ. Chính Toàn quyền Paul Doumer còn phải hạ một câu xác đáng: "Nếu muốn (nhơn nghĩa)...thì thà đừng sai hắn (ám chỉ Lộc) cầm binh!"


  

Created by BHS and friends

Những trận đánh cuối ...

Kể từ đó (06/1886), Trần Bá Lộc cùng thực dân Pháp đã thực hiện chính sách đàn áp đẫm máu, giết người không gớm tay. Trẻ con, phụ nữ chúng không tha. Đồng thời, chúng ra sức khủng bố gia đình của các nghĩa quân, đặc biệt là gia đình của các vị lãnh đạo phong trào. Chúng tăng cường hoạt động gián điệp, ra sức mua chuộc, chia rẽ nội bộ nghĩa quân và dùng những tên Việt gian bán nước dẫn đường trấn áp nhân dân dã man, làm họ không dám để cho con em gia nhập nghĩa quân và cũng không dám cung cấp lương thực. Bằng cách này, quân Pháp đã đạt được mục đích cô lập nghĩa quân với nhân dân và làm cho lực lượng nghĩa quân Cần Vương-Khánh Hòa dần dần bị suy yếu.
Khi căn cứ Phổ Đà của nghĩa quân bị tấn công, ông Trịnh Phong và nghĩa quân đã phục kích địch ở khoảng giữa Hòn Hèo và Hòn Khói, dùng hỏa công diệt trọn một toán quân lê dương. Đây là chiến thắng hiếm hoi cuối cùng của khởi nghĩa Cần Vương-Khánh Hòa.

Ông Trần Đường hy sinh anh dũng. (Ông phải nạp mạng để cứu người dân thôn Hiền Lương, Lương Hải - Ninh Hòa xưa (nay thuộc Thị trấn Vạn Giã) thoát khỏi sự tàn sát dã man của Trần Bá Lộc. Dù nạp mạng nhưng ông không đầu hàng, không khuất phục. Sau đó Trần Bá Lộc đem ông ra xử trảm, bêu đầu nhằm đập tắt ý chí khởi nghĩa của Nhân dân ta)

Trịnh Phong và quân Cần Vương yếu dần và thua trận ở núi Ðá Ðen (Vạn Ninh), núi Tiên Du (Ninh Hòa), đèo Rọ Tượng.

Hồn khí các anh hùng vẫn đang ở cùng với non sông Khánh Hòa ngày nay

(Di chuyển chuột vào các Icons trên bản đồ để biết thêm thông tin)


  



Cuối tháng 8 năm 1886, Trịnh Phong bị bắt tại Ninh Hòa do tay sai Pháp chỉ điểm. Ngày 11 tháng 9 năm 1886, ông cùng với 7 người khác trong đó có Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long bị xử tử. Riêng Trịnh Phong bị đưa đi chém, bêu đầu ở gò Sông Cạn thuộc làng Phước Thạnh (nơi có cây dầu đôi vẫn tồn tại đến ngày nay) và gần một trăm người bị đày vào Cam Ranh, thân xác họ chắc bị vùi lấp, hòa vào cát trắng, biển xanh,... (Theo gia phả họ nhà cụ Nguyễn Khanh: cụ Nguyễn Khanh bị Pháp xử tử ngày 20 tháng chạp năm Bính Tuất (13/01/1887))

Hình ảnh bêu đầu sau khi xử trảm thời Pháp thuộc - Hình ảnh có tính chất minh họa để hiểu thêm về sự tàn ác, dã man của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước, hại dân.


Trong vòng không đầy ba tháng (từ tháng 6 năm 1886 đến cuối tháng 8 năm 1886) bị đàn áp, phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa chính thức bị dập tắt. 😢
Đất nước ta, Khánh Hòa quê ta tiếp tục chìm trong bóng tối, mây đen và bão tố... kèo dài hàng thập kỷ...


  

Created by BHS and friends

..... Phải đợi gần 60 năm sau, với biết bao sự hy sinh xương máu của nhân dân, của những anh hùng, chí sĩ yêu nước, trong đó có các Nghĩa sỹ Cần Vương-Khánh Hòa... trong cuộc đấu tranh bền bỉ, oai hùng để giành lại độc lập và chủ quyền cho Tổ Quốc, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 để tuyên bố với cả thế giới biết đất nước Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta chính thức được Độc lập, được Tự do, và bình đẳng với các dân tộc khác.

Trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa


Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945


  

Created by BHS and friends


... Thời gian trôi qua, nhiều giai thoại, dấu ấn, sự kiện,... về Khánh Hòa Tam Kiệt vẫn còn truyền đến ngày nay từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều công trình được đặt tên các cụ để ghi nhớ, để tỏ lòng biết ơn, để tự hào đến sự hy sinh anh dũng của các cụ, của các nghĩa sỹ Cần Vương Khánh Hòa vì nền Độc lập, Tư do của dân tộc.
NGÀY HÔM NAY VÀ KÝ ỨC VỀ CẦN VƯƠNG KHÁNH HÒA...


  


Created by BHS and friends

Trái mù u

“Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.”

Lời hai câu thơ trên chắc ai cũng biết.
Nhưng ít ai biết rằng trái mù u, hồi đó mọc rất nhiều ở Ninh Hòa, được nghĩa quân Cần Vương Khánh Hòa sử dụng để đánh giặc. Tận dụng lợi thế địa hình ở trên cao và đặc tính trái mù u già thì tròn và rất cứng, nghĩa quân phục kích giặc và dải trái mù u xuống dốc đèo. Lính Pháp và tay sai đi giày, đạp lên trái mù u và bị té ngã, làm rối loạn đội hình. Thừa thế, nghĩa quân xông lên dùng dao, giáo, mác giết giặc. Trận "mù u" tiêu biểu là tại đèo Bánh Ít (Ninh Hòa).

Mù u còn gọi là “Nam Mai”, hoa như hoa mai trắng, quả tròn như ngón chân cái, ép dầu, trị vết đao thương, thắp đèn kiến gián không ăn. Cây cong queo bền chắc, người ta hay trồng để dùng làm tay cong và bánh lái ở thuyền.

Quả mù u giống như quả hạch, giống hình cầu, vỏ bên ngoài khá mỏng nhưng vỏ bên trong lại dày hơn, vỏ cứng khi quả chín già.



  

Created by BHS and friends

Súng Hỏa Mai

Hồi đó các cụ và nghĩa sỹ chống giặc bằng vũ khí gì nhỉ? Có thể nói ngắn gọn: bằng tất cả những gì có thể giết được quân xâm lược. Các nghĩa sỹ Cần Vương Khánh Hòa cũng có súng nhưng là súng hỏa mai rất lạc hậu so với súng trường bắn bằng đạn của Pháp. Muốn bắn được một viên đạn (đạn là viên bi bằng sắt, đồng, chì) phải qua các bước như hình vẽ minh họa bên cạnh: lấy thuốc, nhồi thuốc, nạp đạn, châm ngòi lửa, ngắm và bắn. Súng hỏa mai có tầm bắn chỉ khoảng dưới 70 mét và kém chính xác.
Súng hỏa mai đã lạc hậu rồi, lại còn thiếu thốn nữa nên nghĩa quân phải sử dụng kiếm, giáo, mác, gậy gộc, chải ba, câu liêm... để đánh giặc với sức mạnh ý chí không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ cao ngất trời.

Hình ảnh minh họa viên đạn cho súng hỏa mai thời Cần Vương

Hình ảnh minh họa quân đội nhà Nguyễn tập luyện với vũ khí thô sơ, lạc hậu

Súng thần công thời nhà Nguyễn rất thô sơ, lạc hậu



  

Created by BHS and friends

"Cánh đồng cháy"

Theo cụ Quách Tấn trong “Xứ Trầm Hương” có viết: Trịnh Phong dụ địch lọt ổ phục kích ở khoảng giữa Hòn Hèo và Hòn Khói, dùng hỏa công diệt trọn một toán Lê Dương và ngụy binh (Nơi chiến trường cỏ cây bị cháy rụi và “oan hồn uổng tử tích tụ thành tinh”. Cho nên gọi là “Ðồng Cháy”. Phương ngôn có câu “Ma Ðồng Cháy”).

(Rất tiếc tôi không biết chính xác địa danh này nằm ở đâu trên khu vực Hòn Khói. Thôi thì nhắc lại lời xưa để ai đó tò mò tìm hiểu thêm cho biết)


  

Created by BHS and friends



NHỮNG CON ĐƯỜNG, TRƯỜNG HỌC,...MANG TÊN KHÁNH HÒA TAM KIỆT


  

Created by BHS and friends


Con đường mang tên cụ Trịnh Phong ở Nha Trang.

Đường Trịnh Phong - TP.Nha Trang



  



Con đường mang tên cụ Nguyễn Khanh và Nguyễn Lương ở Nha Trang.

Đường Nguyễn Khanh và Nguyễn Lương - TP.Nha Trang



  



Con đường mang tên cụ Trần Đường ở Nha Trang.

Đường Trần Đường (nằm bên phải công viên 23/10 và công viên Võ Văn Ký) - TP.Nha Trang



  



Các trường học mang tên cụ Trịnh Phong ở Khánh Hòa.

(Click vào hình ảnh trên bản đồ để biết thông tin trường học)



  




MIẾU, ĐÌNH THỜ PHỤNG VÀ GIAI THOẠI ...


  

Created by BHS and friends


Đền, miếu thờ, di tích và các giai thoại về các cụ KHÁNH HÒA TAM KIỆT ở Khánh Hòa.

(Click vào hình ảnh trên bản đồ để biết thông tin)



  



Câu chuyện về vị anh hùng dân tộc Trịnh Phong và các bậc hào kiệt của "Khánh Hòa Tam Kiệt" đã khép lại. Tôi chỉ là người kể lại với mong muốn là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử hùng tráng này của quê hương Khánh Hòa sẽ được khắc ghi mãi trong tâm trí của mỗi người chúng ta, và hy vọng ai đọc được câu chuyện này sẽ biết, hiểu và tự hào hơn về Khánh Hòa, về những anh hùng của đất nước, của Khánh Hòa...
Hương linh, xương máu của họ đã, đang và mãi mãi làm cho biển ta xanh trong hơn, cát biển ta trắng hơn và non sông đất nước ta ngày một đẹp hơn...

Đời đời ghi nhớ !


Sóng biển vẫn rì rào ... hãy tự hào để bước tiếp vào tương lai !

  

Created by BHS and friends

Thanks for watching!!!

Website STORYMAP.VN


  

Created by BHS and friends